Bong tróc, sụt lún, ô nhiễm môi trường và xuống cấp nghiêm trọng, đó là tình trạng hiện tại của một số tòa nhà thuộc khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Nước thải vẫn dềnh lên ở khu vực nhà xe tầng 1 dù đang được sửa chữa
Chỗ nào cũng nứt
Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh nhà G, bà T.T.H (xin được giấu tên) sống tại khu nhà này chia sẻ, không chỉ sàn nhà bị bong tróc nham nhở, xuất hiện nhiều vết nứt trên tường mà hệ thống thang máy cũng thường xuyên gặp trục trặc. Cả tòa nhà có 2 thang máy nhưng chỉ có 1 hoạt động. Tuy vậy, mỗi khi sử dụng thang máy này, người dân vô cùng lo lắng. “Thang máy kêu ầm ầm, sàn thì han gỉ, thủng lỗ chỗ nên mỗi khi bước vào tôi phải nín thở, chỉ lo gặp sự cố. Một số người sợ không dám đi thang máy nên phải leo cầu thang bộ. Để đảm bảo an toàn, người dân đã nhiều lần kiến nghị đơn vị quản lý kiểm tra, sửa chữa nhưng không có hồi âm - bà H than phiền.
Cách nhà G không xa là nhà A1. Tòa nhà gồm 11 tầng, 2 đơn nguyên, với 110 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Theo người dân sống tại khu vực, đây là tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng nhất trong khu tái định cư Đền Lừ. Tại tầng 1 – nơi trông giữ xe của các hộ dân, sàn nhà lênh láng nước thải và phân, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Người dân khi xuống khu vực này thường xuyên phải đeo khẩu trang hoặc bịt mũi. Trần nhà bong tróc từng mảng lớn, để lộ ra những điểm bị nứt toác rộng đến hàng chục centimet. Nhiều vị trí dù đã được bịt tôn nhưng vẫn không thể che đậy những khe hở ngày càng rộng. Hiện toàn bộ khu vực dịch vụ của tòa nhà ở tầng 1 không thể sử dụng được do bị sụt lún nghiêm trọng nên đơn vị quản lý đã cho quây tôn bịt kín kèm theo các dòng chữ cảnh báo “khu vực nguy hiểm, cấm vào”.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phê - Tổ trưởng tổ 84 phường Hoàng Văn Thụ - người sống tại nhà A1 cho biết, gia đình bà dọn về đây sinh sống từ năm 2006. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, tòa nhà đã có dấu hiệu xuống cấp. Tại khu vực nhà xe, nước thải bắt đầu dềnh lên gây úng ngập nên người dân phải kê gạch để đi vào. Nguyên nhân do khối nhà dịch vụ bị lún nứt làm sập đường nước thải.
Trước phản ánh của các hộ dân, năm 2009 đơn vị quản lý đã sửa chữa đường thoát nước nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hiện tượng úng ngập tái diễn và ngày càng nghiêm trọng. Người dân tiếp tục kiến nghị hút bể phốt nhưng đơn vị quản lý trả lời “dân thải ra thì dân tự giải quyết”. Do đó, các hộ dân đành phải tự đóng tiền thuê xe hút nhưng vẫn không giải quyết được triệt để. Thời gian gần đây, nước thải lại tiếp tục tràn lên gây ô nhiễm nặng, khiến việc đi lại của cư dân trong tòa nhà rất khổ sở. Người dân không còn cách nào khác là lại đề nghị Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (QLDV &KTKĐT), UBND phường Hoàng Văn Thụ xuống kiểm tra. Đến cuối tháng 9 vừa qua, các đơn vị liên quan mới tiến hành khảo sát, lên phương án khắc phục sự cố.
Chậm giải quyết do thiếu kinh phí ?!
Cũng theo bà Phê, không chỉ hệ thống thoát nước trục trặc mà các thang máy cũng liên tục xảy ra sự cố, không hoạt động. Tại các vị trí đặt hộp kỹ thuật trong tòa nhà cũng bị nước chảy vào, mọc rêu xanh. Hệ thống cung cấp nước sạch do “có vấn đề” nên Xí nghiệp KDNS Hoàng Mai chưa nhận bàn giao từ Xí nghiệp QLDV&KTKĐT khiến chất lượng cấp nước không đảm bảo, luôn xảy ra tình trạng thiếu nước sạch.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Xí nghiệp QLDV&KTKĐT đã xuống kiểm tra hiện trạng, có báo cáo gửi Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội để đơn vị này làm tờ trình gửi cấp trên lên phương án sửa chữa. Đến ngày 21-10, Xí nghiệp QLDV&KTKĐT mới có văn bản thông báo sửa chữa hệ thống thoát nước nhà A1 khu Đền Lừ 2 với các hạng mục chính được sửa chữa thay thế bao gồm: Hút bể phốt toàn bộ nhà, bóc dỡ nền, sảnh, sàn nhà, kiểm tra đường cống thoát nước, xây hệ thống thoát nước mới, kiểm tra các hộp ống kỹ thuật, nạo vét hố ga và đường cống kỹ thuật xung quanh nhà, làm lại nền tầng 1 và lát gạch theo nguyên trạng. Phần dự toán do đơn vị tư vấn của Ban QLDA đầu tư và xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đảm trách, được tiến hành song song cùng công tác thi công sửa chữa. Thời gian thi công dự kiến là 30 ngày, bắt đầu từ ngày 22-10. Hiện toàn bộ khu vực nghiêng lún ở khu dịch vụ tầng 1 cũng đã ngừng hoạt động và được quây tôn.
Rõ ràng, tình trạng xuống cấp tại khu tái định cư Đền Lừ nói chung và nhà A1 nói riêng đã diễn ra khá lâu, người dân không ít lần kiến nghị nhưng việc khắc phục sự cố thường được tiến hành rất chậm chạp. Mặc dù, nguyên nhân chính là do khó khăn về kinh phí, song vấn đề này cần được tháo gỡ kịp thời và nhanh chóng, để người dân tái định cư được sống trong môi trường trong lành và an toàn, tránh những bức xúc không đáng có.